Gạt mưa là bộ phận có tính hao mòn trên ôtô, chủ xe cần phải thay khi có những dấu hiệu hư hỏng như ồn khi hoạt động hay không còn khả năng gạt mưa hiệu quả. Có nhiều loại gạt mưa khác nhau trên thị trường, mỗi loại đều có có ưu, nhược điểm riêng.
Cho đến khi các loại gạt mưa không "xương" (khung) xuất hiện, gạt mưa thông thường là loại phổ biến nhất trên xe, thường làm bằng kim loại và có hình dạng giống như móc treo áo, thường được lắp vào xe thông qua sử dụng khớp nối hình móc câu (J-hook). Phần lưỡi gạt có thể thay thế gắn trên cần gạt. Gạt được "ép" vào phần kính thông qua nhiều điểm tiếp xúc trên khung.
Loại thông thường
Loại gạt mưa này vẫn được trang bị cho nhiều dòng xe mới bán ra hiện nay, tuy nhiên số lượng đang dần ít đi so với những năm trước. Kích thước của loại gạt này từ 25-70 cm tùy vào phương tiện.
Ưu điểm của loại lưỡi gạt mưa này là bền, vì cấu trúc làm chủ yếu từ kim loại, và giá rẻ. Tuy nhiên, loại này đang dần kém được ưa chuộng, vì thiết kế của cần gạt khiến phần lưỡi gạt không có độ cong cao, không bo ôm sát vào mặt kính, qua đó khiến khả năng lau chùi kính kém hơn các loại khác. Ngoài ra, cấu trúc bằng kim loại của lưỡi gạt mưa cũng khiến dễ xảy ra tình trạng rỉ sét nếu không bảo quản đúng cách.
Giá của loại gạt mưa này từ 100.000-400.000 đồng cho một cặp, tùy vào chất lượng và nhãn hiệu.
Loại phẳng
Gạt mưa phẳng (gạt mưa không "xương", gạt mưa mềm) xuất hiện sau gạt mưa thông thường, với nhiều ưu điểm vượt trội, do đó đang dần trở thành tùy chọn tiêu chuẩn trên các dòng xe mới. Gạt phẳng có thiết kế đơn giản hơn, chỉ bao gồm một dải bằng cao su hoặc silicon, gia cố thêm tấm kim loại mỏng nên có độ linh hoạt, đàn hồi tốt và trọng lượng nhẹ.
Vì độ linh hoạt cao, ưu điểm của loại gạt mưa này là ôm sát bề mặt kính và áp lực lên kính được trải đều, giúp làm sạch hiệu quả. Thiết kế phẳng giúp giảm độ cản gió trên kính xe, qua đó giảm độ ồn khi lái xe, mặc dù chỉ rất nhỏ. Bên cạnh, thiết kế gọn nhẹ của cần gạt cũng giúp tầm quan sát của tài xế ít bị ảnh hưởng hơn khi sử dụng. Trong điều kiện gió mạnh hoặc giông bão, gạt phẳng ít bị lật khỏi kính xe hơn gạt mưa thông thường.
Nhược điểm của loại gạt mưa này là giá thành cao hơn thông thường, khoảng 100.000-200.000 đồng cho một chiếc.
Loại hybrid
Gạt mưa hybrid là sự kết hợp hình dạng khí động học của gạt mưa phẳng, cùng cấu trúc chắc chắn của gạt thông thường. Thiết kế của gạt hybrid bao gồm khung nhựa bọc bên ngoài có tác dụng giảm độ cản gió, phía dưới lớp vỏ này là cấu trúc khung phụ làm bằng thép để gắn lưỡi gạt. Thiết kế này cho phép nhà sản xuất uốn cong lưỡi gạt theo kính xe, giúp tăng hiệu suất làm sạch kính, giảm tiếng ồn.
Vì lớp vỏ ngoài làm bằng nhựa, gạt mưa hybrid ít bị tình trạng rỉ sét hơn gạt có "xương" thông thường. Ngoài ra, trọng lượng của gạt hybrid nằm giữa loại thông thường là loại phẳng. Tuy nhiên, gạt mưa hybrid không phổ biến trên thị trường, người dùng không có nhiều sự lựa chọn khi tìm lưỡi gạt thay thế. Giá của gạt mưa hybrid ở mức cao, khoảng 250.000 - 400.000 đồng cho một chiếc.
Tùy thuộc vào dòng xe sẽ lắp được loại gạt mưa nhất định. Chủ xe nên tham khảo các loại gạt mưa khác nhau tại cửa hàng bán phụ kiện ôtô nếu muốn nâng cấp hoặc thay thế bộ phận này. Thông thường, các loại xe có gắn gạt mưa không "xương" có thể nâng cấp lên loại hybrid hoặc loại phẳng. Các xe đã gắn gạt mưa loại phẳng chỉ có thể thay thế cùng loại, vì đây được cho là sự lựa chọn tốt nhất cho ôtô trên thị trường.